Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận

1. Vận dụng các thao tác lập luận trong đoạn trích Thi nhân Việt Nam (SGK).

a). Đoạn trích nói về sự ảnh hưởng "tính chất Pháp" đối với các nhà thơ mới Việt Nam như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên. Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định sự ảnh hưởng đó không làm mất đi bản sắc của các nhà thơ.

b). Thao tác lập luận chủ yếu trong đoạn trích là thao tác phân tích. Ngoài ra, còn có thao tác so sánh, bác bỏ và thao tác bình luận.

c). Không phải một bài (đoạn) văn càng sử dụng nhiều thao tác lập luận thì càng hấp dẫn vì có thể làm cho bài viết bị loãng trọng tâm cần nhấn mạnh.

- Trong thực tế, rất hiếm trường hợp người nghị luận chỉ sử dụng một thao tác lập luận duy nhất, cần phải vận dụng kết hợp các thao tác lập luận để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, hướng tới đời sống.

- Sự kết hợp các thao tác lập luận không có nghĩa sử dụng chúng ngang hàng nhau, hầu hết các trường hợp, chỉ có một thao tác chủ đạo, bởi một văn bản (đoạn văn bản) nghị luận chỉ nhằm một mục đích chủ yếu hoặc phân tích hoặc so sánh.

- Người viết (người nói) chưa nắm được mục đích nghị luận, chưa xuất phát từ mục đích nghị luận thì việc kết hợp các thao tác lập luận không tránh khỏi giả tạo, khiên cưỡng; vì thế, chưa thể đem lại kết quả mong muốn.

- Với người đọc (người nghe), chỉ khi đã hiểu được mục đích nghị luận, xuất phát từ mục đích nghị luận, họ mới có thể nhận ra chính xác thao tác lập luận nào là chủ yếu, thao tác lập luận nào là bổ trợ và việc kết hợp những thao tác đó có xác đáng, có nhuần nhuyễn hay không.

2. Các bước luyện tập để trình bày luận điểm bàn về một trong những phẩm chất mà người thanh niên ngày nay cần có:

a). Bước 1 :

- Xác định chủ đề: Chọn vấn đề sẽ bàn (phẩm chất đó là gì? sự nhạy bén, sự vững vàng về tri thức, chuyên môn...).

-  Xây dựng dàn ý phù hợp để làm rõ chủ đề:

+ Những yêu cầu của thời đại hôm nay đối với người thanh niên.

+ Để đáp ứng yêu cầu đó, người thanh niên cần có phẩm chất gì?

+ Người thanh niên cần làm gì để có được phẩm chất ấy cũng như duy trì và phát triển nó?

b). Bước 2:

- Chọn luận điểm nào để trình bày?

- Luận điểm đó nằm ở vị trí nào trong bài văn?

- Viết câu chủ đề.

- Tổ chức các luận cứ theo hình thức lập luận nào để có thể làm nổi bật nhất luận điểm vừa được nêu ra? (phân tích, bác bỏ, so sánh hay bình luận).

- Nên sử dụng kèm theo thao tác lập luận nào ngoài thao tác chính? Vì sao?

- Suy nghĩ về cách kết hợp thao tác lập luận chủ yếu với các thao tác bổ trợ để lập luận đạt được hiệu quả tốt nhất.

c). Bước 3:

- Diễn đạt các ý thành một (một số) đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau và thể hiện rõ phong cách ngôn ngữ chính luận.

- Đọc phần văn bản đã viết trước nhóm (lớp), sửa chữa lại theo góp ý của mọi người nhằm nâng cao chất lượng của đoạn văn.

3. Vì sao cần phải luyện tập?

- Tiến hành các bước trên để viết một văn bản nghị luận ngắn, có sử dụng kết hợp ít nhất hai kiểu lập luận khác nhau nhằm thuyết phục độc giả nghe theo quan điểm của mình về một trong những hiện tượng (vấn đề) đang được quan tâm trong lớp, trong trường hoặc trong đời sống.

- Một bài thơ (bài hát, bộ phim...) đang gây nhiều tranh cãi.

- Vấn đề tiếp thu những tinh hoa của văn hóa nhân loại trong bối cảnh thế giới đang có xu hướng trở thành một ngôi nhà chung.

- Nên hay không nên bàn về những hạn chế, điểm yếu của dân tộc mình.