Đoàn thuyền đánh cá
I. Văn bản (SGK)
- Bài thơ đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.
- Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo, mang âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan.
1. Bố cục bài thơ:
- Bài thơ được chia thành 3 đoạn.
+ Đoạn 1: Hai khổ thơ đầu là cảnh đoàn thuyền đánh cá lên đường và tâm trạng náo nức của con người.
+ Đoạn 2: Bốn khổ thơ tiếp theo là cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển.
+ Đoạn 3. Còn lại, là cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bình minh.
- Không gian và thời gian miêu tả trong bài thơ:
+ Trong bài thơ có hai cảm hứng bao trùm và thống nhất hòa quyện chặt chẽ: Cảm hứng về lao động và cảm hứng về thiên nhiên, vũ trụ.
+ Công việc lao động của người đánh cá giữa thiên nhiên bao la của biển và trời, hài hòa với nhịp sống của thiên nhiên đất trời "Thuyền ta lái gió với buồm trăng – Lướt giữa mây cao với biển bằng, "Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao", " Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời"…
+ Chính hai cảm hứng về thiên nhiên vũ trụ và lao động đã tạo cho hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trở nên lớn lao, kì vĩ, bay bổng.
- Bằng biện pháo nhân hóa, tác giả đã gợi tả hình ảnh con thuyền lướt giữa gió trăng lồng lộng.
- Bằng biện pháp liệt kê so sánh, tác giá đã miêu tả các loại cá thể hiện sự giàu đẹp và vô tận của biển.
3. Phân tích một số hình ảnh đẹp tráng lệ:
- Cảnh biển vào đêm vừa rộng lớn vừa gần gũi với con người:
"Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa".
- Nhà thơ so sánh mặt trời như một hòn lửa đang từ từ lặn xuống biển. Trời biển có sự giao hòa trọn vẹn. Mặt biển mênh mông, mát mẻ sẽ làm cho "Hòn lửa" mặt trời dịu êm. Nhà thơ liên tưởng vũ trụ là một ngôi nhà lớn, có màn đêm là cánh cửa khổng lồ, những con sóng là then cửa cài chặt cánh cửa đêm đen. Vũ trụ đi vào trạng thái nghỉ ngơi theo nhịp tuần hoàn của thời gian.
4. Âm hưởng, giọng điệu của bài thơ.
- Bài thơ có bốn từ "Hát". Cả bài như một khúc ca, ngợi ca lao động, với tinh thần làm chủ, với niềm vui phơi phới.
- Lời thơ như khúc hát mê say hào hứng, cách gieo vần biến hóa linh hoạt. Vần trắc xen lẫn vần bằng, vần liền xen lẫn vần cách. Vần trắc tạo nên sức dội, sức mạnh. Vần bằng tạo nên sự vang xa, bay bổng… tất cả góp phần làm nên âm hưởng của bài thơ vừa khỏe khoắn sôi nổi, vừa phơi phới bay bổng.
5. Cảm xúc của tác giả trước thiên nhiên, đất nước và con người lao động.
- Nhà thơ có cái nhìn tươi mới và cảm xúc hào hứng, tràn đầy niềm vui về cuộc sống. Thiên nhiên tráng lệ, giàu có là nguồn tài nguyên vô tận phục vụ con người, tham gia tích cực vào cuộc sống.
- Con người hăng hái say mê lao động làm chủ cuộc sống, xây dựng cuộc sống mới, cả một vùng vùng biển hăng say lao động từ bình minh đến hoàng hôn và ngược lại.
- Đây là cái nhìn tin tưởng và phấn khởi trước cuộc đời mới.
II. Luyện tập
1. Phân tích khổ thơ đầu hoặc khổ thơ cuối của bài thơ.
- Khổ thơ đầu
+ Khổ thơ đầu là bức tranh về đoàn thuyền đánh cá lúc giăng buồm ra khơi. Hai câu thơ đầu của khổ thơ miêu tả không gian, thời gian trong thời điểm ấy "Mặt trời xuống biển như hòn lửa", không gian bước vào buổi chiều tà, lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống. Thời gian tiến dần về đêm, bóng đêm bao phủ cả không gian ở câu thơ thứ hai "sóng đã cài then, đêm sập cửa".
+ Tác giả miêu tả không gian, thời gian trong cái nhìn nhân hóa, mọi sự vật hiện tượng hiện lên sinh động, có hồn. Hai câu thơ sau miêu tả hình ảnh đoàn thuyền ra khơi. Tiếng hát của những con người lao động hòa vào với gió của đất trời, thổi căng cánh buồm của sự sống, của niềm hăng say lao động .
+ Tác giả đã sử dụng hình ảnh rất độc đáo "câu hát căng buồm cùng gió khơi". Câu hát được sử dụng như một phép hoán dụ, đó là hình ảnh của những người lao động hăng say với công việc, là tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thiên nhiên. Khổ thơ đầu không chỉ là bức tranh đoàn thuyền đánh cá ra khơi mà còn thể hiện sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.
- Khổ thơ cuối:
+ Nếu khổ thơ đầu là hình ảnh đoàn thuyền đánh cá căng buồm ra khơi thì khổ thơ cuối khắc họa hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trở về sau chuyến đi. Hình ảnh "câu hát căng buồm với gió khơi" được lặp lại, lột tả vẻ đẹp của tinh thần lao động trong sự hòa hợp với thiên nhiên biển cả. + Cánh buồm no gió là biểu tượng cho tinh thần hăng say lao động, cho một chuyến hành trình tốt đẹp. Mặt trời đã bắt đầu ló dạng và được nhân hóa thành hành động "chạy đua". Mặt trời như đang cùng đoàn thuyền chạy đua trên chuyến hành trình trở về đất liền.
+ Ở hai câu thơ sau, không gian thiên nhiên mở ra, mặt trời càng lên cao, phủ ánh sáng ấm áp khắp không gian. Hình ảnh mặt biển lấp lánh ánh nắng được tác giả khắc họa trong câu thơ cuối "mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi", thiên nhiên đất nước hiện lên thật đẹp, đầy sức sống, hòa vào cùng bức tranh lao động của con người, tạo nên những xúc cảm thẩm mĩ đặc sắc.