Bài 3. Nguồn gốc loài người
I. QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA TỪ VƯỢN NGƯỜI THÀNH NGƯỜI
- Hãy nêu quá trình tiến hóa từ Vượn người thành người.
Cách đây khoảng 5 đến 6 triệu năm, ở chặng đầu của quá trình tiến hóa, có một loài vượn khá giống người đã xuất hiện, được gọi là Vượn người. Trải qua quá trình tiến hóa, khoảng 4 triệu năm trước, một nhánh Vượn người đã thoát khỏi đời sống leo trèo, có khả năng đứng thẳng trên mặt đất, đi bằng hai chân, thể tích não lớn hơn, biết ghè đẽo đá làm công cụ lao động. Đó là Người tối cổ.
- Những đặc điểm cho thấy sự tiến hóa của Người tối cổ so với Vượn người?
Người tối cổ sinh sống thành nhiều nhóm, tồn tại trong những môi trường sống khác nhau. Từ nơi xuất hiện ban đầu là châu Phi, sau đó họ dần vượt qua những cây cầu băng giá, có mặt ở hầu hết các châu lục. Nổi bật là nhóm “Người đứng thẳng” với di cốt và công cụ lao động được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
- Người tinh khôn khác Người tối cổ ở những điểm nào?
Khoảng 150.000 năm trước, Người tinh khôn (Người hiện đại) đã xuất hiện. Người tinh khôn có bộ não (1450 cm3) lớn hơn Người tối cổ (850 – 1100 cm3) và cấu tạo cơ thể cơ bản giống người ngày nay. Sự xuất hiện của Người tinh khôn đánh dấu quá trình chuyển biến từ vượn thành người đã hoàn thành.
II. DẤU TÍCH CỦA NGƯỜI TỐI CỔ Ở ĐÔNG NAM Á
- Những địa điểm tìm thấy dấu tích của Người tối cổ ở Đông Nam Á.
Pôn-Đa-ung (Mi-an-ma); Tham Lót (Thái Lan); Tri-nine (đảo Gia-va), Li-ang Bua (đảo Pho-rét) của In-đô-nê-xi-a; Ta-bon (đảo Pa-la-oan) của Phi-lip-pin; Ni-a (Ma-lai-xi-a). Ở Việt Nam tìm thấy nhiều công cụ đá ghè đẽo thô sơ dùng để đập, chặt của Người tối cổ ở núi Đọ (Quan yên, Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai), An Khê (Gia Lai).
- Nhận xét phạm vi phân bổ dấu tích Người tối cổ ở Việt Nam.
Người tối cổ sinh sống ở trên khắp đất nước ta, tập trung ở miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như: Thanh Hóa, Đồng Nai, Gia Lai; đặc biệt ở các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), các nhà khoa học còn phát hiện những chiếc răng Người tối cổ cách nay khoảng 400000 năm, chứng tỏ, con người đã sinh sống và sinh hoạt từ rất lâu ở khu vực này.
LUYỆN TẬP – VẬN DỤNG
Luyện tập
1. Bằng chứng khoa học nào chứng tỏ Đông Nam Á là nơi có con người xuất hiện từ sớm?
- Tìm thấy dấu tích con người ở nhiều nơi trong khu vực Đông Nam Á.
- Ở Việt Nam đã phát hiện những chiếc răng Người tối cổ cách đây khoảng 400000 năm.
2. Lập bảng thống kê các di tích của Người tối cổ ở Đông Nam Á theo nội dung: tên quốc gia, tên địa điểm tìm thấy dấu tích của Người tối cổ?
Tên quốc gia | Địa điểm tìm thấy dấu tích Người tối cổ |
Việt Nam | Thanh Hóa, Đồng Nai, Gia Lai, lạng Sơn |
Mi-an-ma | Pôn-Đa-ung |
Thái Lan | Tham Lót |
In-đô-nê-xi-a | Tri-nine, Li-ang Bua |
Phi-lip-pin | Ta-bon |
Ma-lai-xi-a | Ni-a |
Vận dụng
3. Phần lớn người châu Phi có làn da đen, người châu Á có làn da vàng, người châu Âu có làn da trắng, liệu họ có chung nguồn gốc hay không?
Con người trên trái đất có chung tổ tiên, nguồn gốc, còn sự khác biệt về màu da là do môi trường sống. Ví dụ người châu Phi sống ở nơi mặt trời chiếu ánh nắng quanh năm nên da của họ có màu đen, yếu tố này có khả năng di truyền nên đã tạo ra sự khác biệt màu da giữa các châu lục.