Bài 2. Biểu đồ
I. Biểu đồ tần suất hình cột và đường gấp khúc tần suất
1. Biểu đồ tần suất hình cột
* Cách vẽ biểu đồ tân suất hình cột
Chọn hệ trục tọa độ vuông góc Oxf với đơn vị trục hoành Ox là đơn vị của dấu hiệu X dc nghiên cứu, đơn vị trục tung Of là 1%. Để đồ thị cân đối, đôi khi phải cắt bỏ một đoạn nào đó của trục hoành (hoặc của trục tung).
Trên trục hoành, đặt các khoảng có các mút biểu diễn cho các mút của các lớp ở bảng phân bố tần suất. Ta gọi các khoảng và các lớp này là tương ứng với nhau. Lấy các khoảng đó làm cạnh đáy, vẽ các hình chữ nhật có độ dài của các đường cao bằng tần suất của lớp tương ứng và nằm về phía chiều dương của trục tung.
Các hình vẽ chữ nhật vừa vẽ được lập thành một biểu đồ tần suất hình cột.
2. Đường gấp khúc tần suất
a) Giá trị đại diện
Trong bảng phân bố ghép lớp, ta gọi số trung bình cộng của hai mút lớp thứ i là giá trị đại diện của lớp đó, kí hiệu là ${c_i}$.
b) Cách vẽ đường gấp khúc tần suất
Trên mặt phẳng tọa độ Oxf, xác định các điểm $\left( {{c_i};{f_i}} \right)i = 1,2,3,...,k$ trong đó ${c_i}$ và ${f_i}$ lần lượt là giá trị đại diện, tần suất của các lớp của bảng phân bố (gồm k lớp). Vẽ các đoạn thẳng nối điểm $\left( {{c_i};{f_i}} \right)$ với điểm $\left( {{c_{i + 1}};{f_{i + 1}}} \right)i = 1,2,3,...,k - 1$, ta thu được một đường gấp khúc, gọi là đường gấp khúc tần suất.
3. Chú ý
Ta cũng có thể mô tả bảng phân bố tần suất ghép lớp bằng biểu đồ tần số hình cột hoặc đường gấp khúc tần số. Cách vẽ cũng như cách vẽ biểu đồ tần suất hình cột hoặc đường gấp khúc tần suất, trong đó thay trục tần suất bằng trục tần số.
II. Biểu đồ hình quạt
Ngoài biểu đồ hình cột và đường gấp khúc tần suất người ta còn sử dụng biểu đồ hình quạt để mô tả bảng phân bố tần suất ghép lớp.